<bgsound src="/Nhac Truyen Ngan.mp3"/> Le Dinh










Tác giả

Song Nguyễn

Montreal, Canada











(Để tưởng nhớ mẹ nhân ngày Hiền Mẫu)



Tôi xa mẹ tôi từ những ngày còn nhỏ. Tôi lớn lên, trưởng thành như một đứa mồ côi mẹ. Lớn lên không có mẹ là một sự thiệt thòi, một bất hạnh không gì có thể so sánh được.

Toàn quốc kháng chiến năm 1946 xẩy ra khi tôi vừa được 4 tuổi. Gia đình tôi tan tác, mỗi người đi về một ngả. Anh Cả tôi đã tham gia chiến đấu chống quân Pháp tại Hà Nội trong đoàn Tự Vệ thành. Anh không theo kịp Trung Đoàn Thủ Đô khi Trung Đoàn này rút ra khỏi Hà Nội sau gần 2 tháng đánh vùi với quân Pháp trên các đường phố . Trung Đoàn này, gồm toàn các thanh niên tạch tạch sè ( tiểu tư sản ) của Hà thành, sau trở thành Trung Đoàn Tây Tiến. Nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng là một thành viên của Trung Đoàn này :

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Anh thứ nhì của tôi đã biền biệt đi theo kháng chiến để vào khu. Ở nhà chỉ còn có cha mẹ và hai chị em tôi. Tôi được cha nẹ cưng chiều hết mực. Một đêm, cha mẹ tôi đánh thức chị em tôi dậy để rời khỏi quê ngay tức khắc vì Tây sắp tràn về.Cùng đoàn người chạy loạn, chúng tôi đi, đi mãi, rồi xuống thuyền vượt qua con sông Cái- sau này tôi mới biết đó 1 nhánh của sông Thá Bình, biên giới giữa làng tôi và làng Thanh Hà. Đối với tầm nhìn của một cậu bé 4 tuổi như tôi vào lúc đó, vượt qua con sông Cái có nghĩa là đã đi xa, xa lắm.Cuộc chạy loạn, bỏ quê nhà ra đi đã kéo dài rất lâu, lâu lắm theo trí óc non nớt của tôi vì tôi còn nhớ đã hưởng môt cái Tết đơn sơ trong thời gian chạy loạn. Cùng gia đình, tôi đã sống qua nhiều nơi mhư Cầu Ràm, Ngọc Chi….những địa danh mà tôi hoàn toàn không biết thuộc về tỉnh nào Trong giai đoạn chạy giặc Tây, khi tới bất kỳ chỗ nào gia đình tôi cũng như tất cả các người chạy loạn khác đều được tiếp đón, giúp đỡ đầy đủ.

Chỗ cuối cùng mà gia đình tôi đến tá túc trên bước đường chạy loạn là làng Nhân Lý. Tôi cũng không biết làng này thuộc về đâu. Tại đây, gia đìng tôi được gia đình ông Tuần Nhạc cho ở nhờ. Con Ông Tuần- thằng Lẫm, cái Cấm- đều trạc tuổi tôi nên chúng tôi trở thành bạn. Các cô gái làng đến tuổi cập kêm, đều được gọi là cô tý -như Cô Tý Hoa, cô Tý Phượng …- cho tới ngày có gia đình thì hết được gọi là cô tý nữa.

Năm tôi lên 5, cha mẹ tôi quyết định đưa cả gia đình hồi cư, trở về sống ở quê nhà. Làng tôi đã trở thành một làng xôi đậu. Ban ngày làng do Tây với Ban Hội Tề cầm trịch, ban đêm là thời điểm của những người Bolcheviks kháng chiến về làng tuyên truyền, đoàn ngũ hóa các thanh thiếu niên. Người dân sống một cổ hai tròng nhưng ít nhứt, quê hương được im tiếng súng để nười dân có thể canh tác mùa màng. Đó là những năm sung sướng hồn nhiên của tôi. Guộc vui với lũ nhõ hàng xóm tưởng chừng như không bao giờ hết : hết đánh đáo, đánh khăng, thả diều lại trèo cây hái trái hay tìm các ổ chim để bắt các chim non về nuôi trong lồng…

Mẹ tôi hay cho tôi theo mẹ trong các công việc đồng áng, hoặc được theo mẹ tham dự các ngày giỗ, ngày lễ lạc trong họ. Mẹ dậy tôi làm cần câu, đi câu cá trong ao nhà. Mẹ dặn tôi chỉ được giựt cấn câu để bắt cá khi nào chiếc phao làm bằng ruột cây khoai mì bị kéo chìm xuống khỏi mặt nước. Khi cái phao đông đậy, nhấp nháy là lúc cá đang rỉa mồi, chưa cắn câu nên đừng giựt cần câu.

Dù đã lớn, tôi vẫn thích được mẹ cho ngủ chung để nghe mẹ hát, ru tôi đi vào giấc ngủ mỗi tối. Tiếng Mẹ, cao và thanh :

Hò ơi
Anh về để áo lại đây
Để em khuya đắp gió Tây lạnh lùng
Hò ơi
Lạnh lùng lấy mùng em đắp
Mà để áo anh về đi học kẻo khuya

hoặc

Cái ngủ mầy ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về
Bắt được con cá rô trê
Làm thịt đem về cho cái ngủ ăn

Nhiều khi mẹ ngâm nga nhiều đoạn thơ dài nhiều lần để ru tôi ngủ, tôi gần như thuộc lòng nên hay đọc theo bà :

Cùng trong lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

hay

Nghĩ mình bọt nước cánh bèo
Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân
Bằng nay chịu tiếng công thần
Thênh thang đường cái công danh hẹp gì
Công tư vẹn cả hai bề
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường
Nở nang mày mặt rỡ rang mẹ cha
Trên vì nước, dưới vì nhà
Một là đắc hiếu hai là đắc trung
Chẳng như chiếc bách giữa dòng
Eo sèo mặt nước, hãi hùng cỏ hoa

……………………………………..

Khi học Việt Văn ở Trung học, tôi mới vỡ lẽ là Mẹ rất thích Chinh Phụ Ngâm, thích Truyện Kiều. Đoạn Kiều ở trên nói tới lúc Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến.

Tôi lêu lổng nhưng sung sướng vô bờ cho tới năm tôi được 8 tuổi. Mẹ quyết định cho tôi lên Hà Nội ở với anh Cả của tôi để đi học. Anh tôi sau khi được Tây thả ra khỏi trại giam, đã quyết định ở luôn tại Hà Nội, không về quê nữa. Sau này tôi hiểu tại sao anh lại quyết định như vậy. Lý do là với cái gốc Việt Nam Quốc Dân Đảng của anh, người Cộng Sản ở quê nhà sẽ không để anh được sống yên ổn.

Tôi rời quê, lên Hà Nội năm 1951. Lần đầu tiên tôi thấy Hà Nội. Ôi sao cái gì cũng đẹp, cũng sang thế ! ! Từ người cho đến xe cộ Tôi như một tên khờ đi lạc vào một thế giới khác. Ngày mẹ tôi rời Hà Nội để trở lại quê nhà, tôi đã khóc sướt mướt.Vũ trụ như quay cuồng. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải sống xa mẹ. Tôi phải làm quen với cuộc sống mới trong đó mọi thứ đều như lạ lùng. Nghe những người bán hàng rong rao lò mai phàn, chê nhì chê nào ai lốc nhì chê tôi không hiểu họ rao bán gì. Sau này tôi biết đó là xôi lạp xường và mía hấp.

Anh tôi làm giấy khai sinh mới cho tôi, khai rút đi 2 tuổi để tôi kịp vào học lớp bét Trường Hàng Than. Trong thời gian chờ đợi, tôi được anh tôi xin cho vào học vỡ lòng tại trường Cát Thanh gần nhà. Ngày đầu tiên tại trường Cát Thanhm, tôi được phát cho 1 cuốn Vần Quốc Ngữ thực hành của tác giả Nguyễn Bình. Hôm đó, Thầy giáo vắng mặt vì lý do bị ốm, Thầy Hiệu trưởng, cũng là thầy giáo của lớp bên cạnh phụ trách luôn việc dậy dỗ lớp tôi. Thầy chỉ định một học trò ngồi cùng bàn với tôi chỉ tôi đọc : a sắc á, a huyền à, a hỏi ả, a nặng ạ. Sau này tôi mới biết tên của cậu ta là Hoàng Văn Lạng. Đang ngồi mơ màng nhớ mẹ thì đột nhiên Lạng bảo tôi « mày đi theo tao » Lạng dẫn tôi qua văn phòng thầy Hiệu Trưởng và nói « thưa thầy, đứa này nói chuyện làm mất trật tự trong lớp »Thực là oan cho tôi, một cậu bè mới từ nhà quê ra tỉnh ! !Thầy Hiệu trưởng không hỏi han gì cả, bắt tôi xòe bàn tay ra rồi quật mạnh cái thước kẻ vào bàn tay tôi 2 cái. Tôi không khóc nhưng xón đái trong quần. Ở nhà, tôi được cha mẹ nuông chiều. Tôi chưa bao giờ bị mắng mỏ, chưa bao giờ bị đòn . Đây là lần bị đòn đầu tiên trong đời tôi Cái thuở ban đầu này tôi không lưu luyến gì cả nhưng nhớ suốt đời.Về lớp, tôi tủi thân, khóc nức nở. Tôi thầm thì « mẹ ơi ! con mẹ xa mẹ , đang bị bắt nạt, hành hạ »

Độ 2 tháng sau, tôi nghỉ học trường Cát Thanh để bắt đầu cuộc đời mới ở trường Hàng Than. Tôi đã rũ sạch các dấu vết của một cậu bé nhà quê. Trời run rủi làm sao, Hoàng Văn Lạng lại học chung lớp với tôi ở trường này. Nhớ trận đòn thước kẻ của ngày xưa ở trường Cát Thanh, tôi đánh Lạng một trận Sau trận đòn, Lạng sợ tôi lắm, gọi tôi bằng anh và xưng em.

Mẹ tôi vẫn đi đi về về Hà Nội. Mỗi lần chia tay đưa mẹ về quê là mỗi lần bịn rịn đầy nước mắt. Kỳ nghỉ hè nào tôi cũng về quê, sống với mẹ. Tôi đã lớn hẳn lên, không còn được mẹ ru ngủ như xưa kia nhưng sống bên mẹ trong suốt mùa hè là những ngày thần tiên. Thực như thi sĩ Trần Trung Phương đã nói :

Chín mươi ngày nhẩy nhót ở đồng quê
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ

Tháng 5 năm 1954, Quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ. Chiến tranh chấm dứt. Đất nước bị chia đôi với ranh giới là vỹ tuyến 17. Theo Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, sau 2 năm sẽ có Tổng Tuyển cử để thống nhứt đất nước. Gia đình tôi quyết định di cư vào Nam. Tôi về quê sống vài tháng trước khi xa quê. Chỉ trong chưa đến 1 năm mà quê hương đã hoàn toàn thay đổi. Các cán bộ công khai xuất đầu lộ diện để hoạt động, sẵn sàng tiếp thu khi quân Pháp rút đi theo đúng hiệp Định đình chiến Genève. Tôi cảm thấy lạc lõng, đi đâu cũng thấy hát các bài ca cách mạng, các buổi nhẩy hòa bình :

Đông Phương hồng mặt trời lên
Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông
Với muôn dân, Người là cứu tinh
Tính tang tình tang..toàn dân ấm no đời đời

hoặc

Anh chiến sĩ ơi đánh cho nó tơi bời
Diệt tan quân xâm lăng, diệt tan quân cướp nước
Cuộc đời thoát ách nô vong, cuộc đời thoát ách nô vong

Ngày 28 tháng 8 năm 1954, tôi theo người anh con ông Bác để vào Nam trước. Theo chương trình, đại gia đình của tôi sẽ vào Nam sau Tết, khoảng đầu tháng 2 năm 1955.

Sau Tết gia đình tôi vào Sàigòn ngoại trừ Mẹ tôi. Bà nhắn vào : chỉ chia đôi có 2 năm, tao vào Nam làm gì ?Không thấy mẹ, nghĩ đến thời gian dài dằng dặc 2 năm, lòng tôi như tan nát. Tôi không cầm được nước mắt thương nhớ mẹ. Tôi chắc mẹ ở lại chờ người anh thứ nhì của tôi đi kháng chiến trở về. Trong suốt thời gian chia đôi đất nước- từ 1954 đến 1975- tôi không có tin tức của mẹ. Tôi không biết mẹ tôi hãy còn sống hay đã ra người thiên cổ. Cuộc biệt ly, thay vì 2 năm, đã kéo dài như thiên thu bất tận. Tôi không ngớt cầu nguyện cho mẹ, nhứt là trong thời gian miền Bắc bị oanh tạc.

Không lúc nào hình ảnh mẹ mờ nhạt trong trí tôi. Các bài hát ca tụng mẹ như bài Lòng mẹ của Y Vân, bài Mẹ tôi của Nhị Hà…được tôi ưa chuộng. Tôi đọc thuộc lòng các bài thơ về mẹ như bài thơ sau đây mà tôi quên tên tác giả :

Mẹ sinh con trong đói khổ
Cơm ăn, cháo trộn củ mì
Xanh mồ cỏ sầu mẹ chết
Khi con còn chập chững biết đi

Còn nhớ gì về mẹ không?
Lung linh bóng hòm sơn đỏ
Giã từ nhà hoang cửa ngõ
Mẹ đã đi vào mênh mông

Và người ta nói mẹ đi chợ
Và con mỏi mắt chờ trông
Hình hài ai thấp thoáng ngoài ngõ
Dáng nào lảng vảng bên song

Con đi vay tình thiên hạ
Đau lòng đâu dám nói ra
Có khi con quên mất mẹ
Vì đời con lắm phong ba

Những chiều dừng chân quán vắng
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Con thấy tường in bóng mẹ
Ngoài hiên sương lạnh trăng mờ

Đốt nến sang đi tìm mẹ
Thoát hồn lên đến hư không
Bấy giờ con yêu gặp mẹ
Mẹ ơi, mẹ ở trong long (Thơ khuyết danh)

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người Cộng Sản đã thành công trong việc áp đặt chế độ Cộng Sản lên cả dân tộc. Tôi và vợ con thoát ra khỏi Sàigòn trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, những ngày cực kỳ mê loạn của quê hương miền Nam. Sau khi được định cư ở Canada, tôi tìm cách liên lạc với gia đình còn ở lại Việt Nam. Lúc đó tôi mới hay mẹ vẫn còn sống. Mẹ đã tức tốc vào Nam tìm tôi, đứa con lạc loài của mẹ. Mẹ đã khóc ngất khi biết tôi đã bỏ xứ ra đi, định cư ở một nơi cách quê hương một nửa vòng trái đất. Sau bao năm sống trong mong chờ gặp con, mẹ thấy mất hết niềm hy vọng.

Bao năm chinh chiến mong gần gũi
Nay lúc thanh bình khóc biệt ly (Thơ khuyết danh)

Tôi tìm cách liên lạc với mẹ ở miền Bắc. Đến năm 1994, tôi đã nhờ người đón mẹ sang Canada để mẹ con gặp mặt. Ngày gập mẹ ở phi trường Mirabel, mẹ con tôi đã không cầm được nước mắt. Mẹ nắm tay tôi, nhìn kỹ khuôn mạt tôi như để tìm lại hình dáng đứa con đã lạc mẹ từ mấy chục năm qua. Xa mẹ từ năm 1954, sau 40 năm tôi đã gập lại mẹ. Nhưng không gì bù lại được những mất mát, những thiếu vắng của cả một thời niên thiếu của tôi. Tôi lớn lên, trưởng thành như một đứa trẻ mồ côi mẹ. Thiếu vắng mẹ là một bất hạnh to lớn không gì bì kịp.

Chiến tranh Việt Nam đã gây ra muôn vàn thảm cảnh mẹ con chia lìa như trường hợp của tôi. Tôi đã khắc khoải nhớ thương mẹ trong hơn nửa đời người.



SONG NGUYỄN

Montreal, Canada 2009



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com